Trang chủ
Du lịch mùa xuân
Du lịch mùa hạ
Du lịch mùa thu
Du lịch mùa đông
Khách sạn
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Thời tiết
LIÊN KẾT
Tư vấn  
Những Điều Cần Lưu Ý Khi Đến Nhật

 

Xin chào mừng quý khách viếng thăm xứ Phù Tang - Anh Đào. Người ngoại quốc khi viếng thăm Nhật Bản, muốn được xem nhiều thứ, nhưng mong muốn nhất có lẽ là ngắm cảnh núi Phú Sĩ hùng vĩ và xem hoa anh đào nở rộ mùa xuân. Riêng phụ nữ thì có lẽ muốn được mặc thử áo "Kimono" nữa...

1. KHÍ HẬU:
Nhật Bản là một xứ ôn đới có bốn mùa rõ rệt. Tuy nhiên tùy từng vùng mà khí hậu khác nhau vì Nhật Bản là một quần đảo gồm bốn đảo chính, trải dài từ bắc xuống nam, gồm Hokkaido (Bắc Hải Đạo), Honshu (Bản Châu), Shikoku (Tứ Quốc) và Kyushu (Cửu Châu). Ở Bắc Hải Đạo mùa hè ngắn, mùa đông tuyết phủ cao tới mái nhà. Vùng tây-bắc của Bản Châu tuy ở vĩ độ thấp hơn nhưng bị ảnh hưởng của gió Tây Bá Lợi Á từ Nga nên tuyết cũng rất nhiều. Tokyo hay Osaka thì trời nóng ấm và ẩm, một năm chỉ rơi hai, ba lần tuyết khoảng 5-6cm vào tháng Giêng đến tháng Ba Còn Okinawa, gần với Đài Loan, quanh năm nắng ấm và mưa bão, nhưng không có tuyết. Mùa Xuân và Thu là hai mùa lý tưởng để đi du lịch tới Nhật vì thời tiết dễ chịu và phong cảnh đẹp. Mùa xuân ở Tokyo vào cuối tháng ba, đầu tháng tư thì có hoa Anh Đào nở rộ. Người Nhật có tục đi ngắm hoa này gọi là Hanami, họ kéo gia đình, bạn bè cùng đi, đem theo đồ ăn, rượu, bia và máy để hát "Karaoke"... Còn mùa thu thì lá đổi màu, nhất là lá phong (loại lá nổi tiếng ở Gia Nã Đại). Trên những ngọn đồi núi, lá đổi từ màu xanh sang vàng, nâu, đỏ... lẫn lộn với nhau trông rất đẹp mắt. Tất nhiên mùa hè cũng có nhiều nơi để xem tuy nhiệt độ nóng và ẩm. Trong mùa hè, từ công tư sở đến trường học, mọi người đều có ngày nghỉ nên đây là mùa có nhiều lễ hội nhất ở Nhật. Người Nhật đốt pháo vào mùa hè và có dưa hấu (một trái khoảng 4 tới 5 kg giá từ 24 đến 30 Mỹ Kim, khá ngọt), còn Tết thì lại không có hai thứ này. Có các buổi lễ rước kiệu hay xe hoa theo Thần Đạo, từ những lễ nhỏ kéo dài một buổi tới những lễ lớn kéo dài hai, ba ngày, thu hút hàng triệu người. Ở các tỉnh lớn có lễ đốt cả hàng chục ngàn pháo bông ban đêm, có nơi thu hút cả nửa triệu người đến xem. Còn ai thích trượt băng, trượt tuyết thì xin mời tới Nhật vào mùa đông. Nếu lên tận thành phố Sapporo, Hokkaido ở phía bắc, có thể xem đại hội triển lãm đắp và khắc băng, cũng thu hút hàng trăm ngàn du khách mỗi năm. Mùa đông mà được tắm suối nước nóng có ở hầu hết các vùng đồi núi, gọi là ôn tuyền (onsen) thì cũng thú lắm, nên thử cho biết nghệ thuật tắm của người Nhật như thế nào. Tắm xong, đói bụng du khách ăn sẽ rất ngon miệng. Có một số nơi, cho nam nữ ngâm chung. Ở đây, mỗi bên đều có tấm khăn che, cũng như khi đi tắm hồ hay biển, du khách có tò mò hơn thì cũng vậy thôi!

2. THỦ TỤC NHẬP CẢNH:
1/ Người có thông hành (hộ chiếu = passport) của Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu (các nước khác thì tùy hiệp ước giữa hai quốc gia) khi đi Nhật du lịch không cần xin chiếu khán trong 90 ngày. Nhưng nếu muốn ở lâu hơn vì lý do thương mại, làm việc hay học hành thì phải làm đơn xin VISA.
2/ Người chỉ có tư cách thường trú với Thẻ Xanh (Green Card) phải xin Sổ Tái Nhập Quốc với chiếu khán có giá trị trên 06 tháng rồi làm đơn xin tại Tòa Đại Sứ hay Tòa Lãnh Sự Nhật Bản. Cần nêu rõ mục đích chuyến đi, nếu có thân nhân bảo lãnh nên ghi rõ thì thời gian xét đơn khoảng hai tháng, nếu là công ty mời thì có thể chỉ trong 02 ngày (cần trình giấy tờ công ty bảo lãnh và vé khứ hồi). Nếu thân nhân bảo lãnh, Bộ Ngoại Giao tại Tokyo có thể liên lạc với thân nhân tại Nhật Bản để bổ túc giấy tờ, như giấy chứng nhận đóng thuế, cư trú, lịch trình ở Nhật Bản hay yêu cầu xác nhận... Chiếu khán thường cho 02 tuần hoặc 03 tháng. Việc gia hạn tương đối khó khăn, vì phải có lý do thật chính đáng và thường chỉ được thêm hai tuần.
3/ Người Việt Nam muốn du lịch phải có thân nhân trực hệ như cha mẹ, anh em, con cái bảo lãnh. Nếu không thì phải làm thủ tục qua công ty du lịch để được bảo lãnh. Người dùng Sổ Tái Nhập Quốc thường hay bị hỏi Thông Hành đâu thì hãy giải thích mình là người "tỵ nạn". Trường hợp sổ của Nhật Bản thì chỉ trang 2 có ghi thời hạn của thẻ này tùy theo dấu đóng ở trang 4-28. Nếu có thân nhân lo việc hướng dẫn cho du khách thì tốt, vì bên đây quá ít người Việt (tổng cộng khoảng 12.000 người định cư sống rải rác và khoảng 20.000 người đi lao động hoặc sinh viên) nên không có ai chính thức sống bằng nghề hướng dẫn du lịch. Tuy nhiên, đôi khi gặp dịp nghỉ cũng có thể kiếm ra người hướng dẫn và nếu tính giá chính thức thì có thể là 200 đến 300 Mỹ Kim một ngày. Từ đầu năm 2009, đã có công ty du lịch AFJ lo việc này.

3. VÉ MÁY BAY:
Giá vé thay đổi rất nhiều tùy theo mùa. Nếu đi từ miền tây Hoa Kỳ, mùa rẻ từ 450 đến 700 Mỹ Kim, mùa đắt 800 đến 1.000 Mỹ Kim cho vé khứ hồi. Vé máy bay quốc tế loại rẻ thường giá khứ hồi và giá một chiều như nhau. Vé mua ở đại lý càng sớm càng rẻ và luôn luôn rẻ hơn so với việc mua thẳng từ hãng máy bay. Nếu du khách dự tính đi lại nhiều ở Nhật Bản, nên hỏi đại lý hãng du lịch mua "pass" loại dành riêng cho du khách từ nước ngoài, giá khoảng 250 Mỹ Kim, có thể dùng mọi phương tiện chuyên chở bằng xe điện hay xe buýt trong một tuần lễ mà không phải trả thêm.
Trường hợp muốn ghé Hawaii chơi vài ngày thì giá vé tăng khoảng 50 đến 100 Mỹ Kim. Theo chúng tôi nghĩ, nếu du khách có thì giờ và chưa ghé Hawaii lần nào thì cũng nên nhân dịp này ghé quần đảo thần tiên của thế giới cho biết. Hoặc nhân chuyến đi Nhật ghé thêm một số quốc gia Á Châu. Một điểm nhỏ nhưng rất quan trọng là phải xác nhận đúng họ tên trước khi vé được in ra, nếu ở xa nên viết ra rồi fax tới để tránh sự đáng tiếc và biết trách nhiệm ở đâu. Nếu có sự nhầm lẫn dù chỉ một ký tự, theo luật rất gắt gao của các hãng hàng không, sẽ phải bỏ vé đó và mua vé mới rất tốn kém.

4. QUAN THUẾ VÀ ĐỔI TIỀN:
Quan thuế Nhật chỉ lục tìm các loại động vật, thực vật bị hiệp ước Washington cấm, cũng như ma túy và vũ khí (ở Nhật cấm cá nhân sử dụng vũ khí, trừ súng săn). Riêng các thức ăn làm bằng thịt hay trái cây chưa được kiểm dịch, nếu bị khám thấy sẽ bị tịch thu. Các máy móc hay đồ dùng cá nhân không hạn chế, không bị thuế. Hàng đem quá nhiều có thể bị thuế chút ít thôi. Mọi dịch vụ ở Nhật đều tính bằng tiền Yen, do đó du khách nên đổi tiền trước. Có thể đổi tiền ngay tại phi trường nếu phải đóng thuế hay sau khi kiểm hành lý xong ra ngoài. Hối suất ở đây cũng như tại các ngân hàng hay phòng đổi tiền tại các trung tâm thương mại lớn tương tự nhau. Kể từ 1/4/1998, Nhật Bản thi hành chính sách "Big Bang", cho đổi ngoại tệ tự do, nên nhiều cửa hàng thường xuyên có khách ngoại quốc cũng nhận thẻ tín dụng Visa, Master hay cả ngoại tệ, một số khách sạn lớn hay tiệm điện lớn có thể nhận travel check. Khi rời Nhật, nếu còn tiền Yen cũng có thể đổi tại phi trường dễ dàng. Nếu dùng thẻ tín dụng như Visa, Master... có thể rút tiền Yen tại một số máy ATM, trả tiền taxi, vé xe điện tốc hành đi xa hay vé máy bay...

5. MUA QUÀ:
Mua quà thì nơi có nhiều mặt hàng kỷ niệm và giá phải chăng là tại các phi trường quốc tế, tháp Tokyo và đền Asakusa ở Tokyo... Du khách cũng nên ghé các trung tâm thương mại lớn để xem cho biết họ sạch sẽ, ngăn nắp như thế nào, có lẽ còn hơn Âu-Mỹ, nhưng đồng thời cũng thấy giá đắt đỏ như thế nào. Do đó, đi Nhật không phải chủ yếu để mua hàng. Nếu có, chỉ là mua những món kỷ niệm hay làm quà nho nhỏ và mỹ thuật, giá khoảng vài chục Mỹ Kim. Nếu muốn có ít tài liệu về Nhật Bản, du khách nên ghé các hiệu sách lớn, có rất nhiều sách về văn hóa viết bằng tiếng Anh như trà đạo, thư đạo, võ đạo, kiếm đạo, cắm hoa, làm vườn, cá chép, các lễ hội... Tất nhiên có đủ loại quà hay đồ thiết dụng, nhưng vấn đề là giá cả và sự tiện dụng.
Về đồ điện, máy hình... nổi tiếng của Nhật Bản, thực tế ngay tại nước Nhật thường cao giá hơn tại nhiều nơi. Sở dĩ giá đắt vì sở hụi ở Nhật cao, trong khi đem ra nước ngoài thì sở hụi rẻ và nhất là vì phải cạnh tranh với thế giới, họ bán rẻ và lời ít hơn. Thí dụ, một máy chụp hình Canon loại quang học bỏ túi, mua ở Hoa Kỳ 70 đến 80 Mỹ Kim thì ở Nhật là 100 Mỹ Kim. CD nhạc Nhật ở Hoa Kỳ bán 17 Mỹ Kim, ở Nhật bán 20 đến 24 Mỹ Kim... Giá máy hình dạng số không chênh lệch nhiều, nhưng giá bộ nhớ (memory chip/stick) có khi gấp rưỡi hay gấp đôi. Đồ điện nhiều nhất là khu chợ điện Akihabara ở Tokyo và khu Nihonbashi Denden Town ở Osaka. Ngoài ra, tại các ga lớn ở Tokyo như Shinjuku, Ikebukuro, Yurakucho cũng có những cửa hàng lớn 7, 8 tầng. Riêng loại hàng này, ở nhiều cửa tiệm có nhiều du khách ngoại quốc hay lui tới được miễn thuế tiêu thụ (5%) nếu mua trên 10.000 Yen (đồ mỹ phẩm và thức ăn thì không được miễn thuế), như LAOX, Tokis...
Về những đồ mỹ nghệ hay thủ công nghệ thì rất đa dạng, có thể mua những món độ vài trăm yen hay vài ngàn yen (khoảng 3 tớI 20 Mỹ Kim)... làm quà. Chứ những đồ mỹ phẩm như Shiseido, Kanebo... ở đây cũng có thể đắt hơn ở Âu-Mỹ. Nhiều phụ nữ Nhật ra ngoại quốc mua đồ trang điểm hiệu Shiseido... của Nhật về dùng vì giá chỉ khoảng 2/3 tới 3/4 giá trong nước Nhật.
Về quần áo thì khá hợp với người Việt. Điều đáng lưu ý là những hàng tiêu biểu của địa phương nào đó thì khó có thể mua ở nơi khác; vì vậy, nếu đã có ý định mua thì nên mua ngay. Thường khi đi theo đoàn du lịch thì hơi khó mua những thứ đặc biệt không có tại các cửa hàng trên đường đi qua và nếu bỏ qua thì hầu như du khách không thể quay lại chỗ cũ để mua. Du khách thường mua trà xanh, búp bê, áo kimono loại mặc ngủ, cắt móng tay có bọc để phần móng cắt ra không bay tứ tung, các loại dao gọi là "hocho" thật sắc (bằng thép hay loại mới làm bằng ceramic, dùng cả đời không cần mài, giá khoảng 5.000 Yen), phim ảnh văn hóa, các vật kỷ niệm mỹ thuật, cho tới các loại dinh dưỡng như sụn cá mập...Tại phi trường có rất nhiều cửa hàng bán quà kỷ niệm, nếu cảm thấy còn thiếu thì khi ra phi trường để rời Nhật, có thể mua ở đây, giá cũng gần như những nơi khác. Nói chung, hàng hóa tràn ngập, nhiều thứ chỉ có bán tại Nhật Bản mà không đưa ra nước ngoài. Như ở đây có khoảng 100 loại nồi cơm điện, 100 loại máy sấy tóc... nên cũng có rất nhiều thứ đáng mua.
Có một điểm cần lưu ý là tại Nhật, rất nhiều cửa tiệm có gắn máy thu hình, nên khi lấy hàng đừng quên trả tiền để tránh phiền phức lớn, làm mất vui chuyến đi cho mình và mọi người.

6. ĂN UỐNG:
Về thức ăn Nhật, không phải thứ nào cũng đắt, nếu có những món giá "trên trời", thì cũng có những món giá "dưới đất". Một bữa giá 400-500 Yen như cơm thịt bò của Yoshinoya, 700 Yen như các loại mì. Bữa trưa cơm phần khoảng từ 800 Yen đến 1.000 Yen, ăn tối thì có thể từ 1.000 Yen đến 2.000 Yen hay hơn là tùy nơi, tùy món. Ngày nay, các thành phố lớn dần dần quốc tế hóa, nên ngoài thức ăn Nhật còn có thể ăn nhiều thức ăn của các nước khác. Nhật Bản cũng có nhiều món ăn ngon, nhưng hơi lạ đối với người ngoại quốc, nên nói chung có một số món Nhật khó hợp khẩu vị đối với người ngoại quốc. Vì họ thường ăn đồ sống, đồ nướng, hay cho đường, nhưng lại ít ăn cay và ít dùng ớt (nếu có lại là ớt khô, wasabi (sơn quỳ) hay mù tạt, dù họ ở xứ lạnh (như Triều Tiên dùng rất nhiều ớt). Tại một số tiệm ăn ngay ở khu phố Tàu Yokohama, Kobe và Nagasaki mà đôi khi hỏi ớt tươi cũng không có.
Đã tới Nhật ít nhất nên một lần thử ăn "sushi" là cơm nắm cá sống hay "sashimi" là gỏi cá sống. Họ chỉ dùng xì dầu và wasabi, thêm ít gừng muối. Hơi cay của wasabi xốc lên tận óc nhưng tan biến ngay, chưa quen chỉ nên lấy ít thôi. Mới ăn có thể hơi sợ và không thấy ngon, nhưng du khách để ý sẽ thấy cá sống không tanh như chúng ta tưởng, vì họ cắt thẳng từ miếng cá lớn ra chứ không rửa nước ngọt. Nhiều người Việt, nhất là giới nghệ sĩ, nay cũng mê cá sống không thua gì người Nhật. Nếu du khách đi lại nhiều thấy mệt và khó ăn thức ăn lạ, nên đem phòng theo ít ruốc (chà bông), phòng khi không ăn được đồ ăn lạ. Với người ở Nhật lâu thì đôi khi ngược lại, lúc mệt mà thấy đồ ăn Tàu hay Âu-Mỹ thì chịu thua, cho đồ ăn Nhật dễ ăn hơn vì ít mỡ.
Về thực phẩm Nhật, thường giá ở Nhật rất đắt so với các nơi khác. Giá thịt bò Kobe hay Matsuzaka hạng cao cấp với mỡ đan đều trong thịt nạc, khoảng 8.500 Yen/180 gam, tính ra khoảng 420-450 Mỹ Kim/1kg (loại thường khoảng 25-30 Mỹ Kim/1kg). Nếu du khách có tiền muốn thử món lạ, thì tìm đến các tiệm ăn cao cấp hoặc khi đi theo đoàn du lịch, có thể nhờ người hướng dẫn đặt mua trước loại thịt bò này để ăn khi vào tiệm thịt nướng. Loại này chỉ nên nướng cháy cạnh, rất mềm, đến độ có thể nói "Ăn không cần nhai!", khi ăn loại này rồi mới thấy các thịt bò thường khác thuộc loại "Nhai không cần ăn!". Rồi cầu gai, tiếng Nhật gọi là "uni", cá nóc, tiếng Nhật gọi là "fugu", phần bụng có nhiều lớp mỡ "otoro" của cá thu bầu tức cá ngừ đại dương tiếng Nhật gọi là "honmaguro", dưa lê (có gân, melon) đều là những món sơn hào hải vị đối với người Nhật, giá rất đắt. Du khách cũng nên thử thưởng thức các món khác bình dân hơn như "sushi", "sashimi", sơn quỳ tức "wasabi" và gừng muối "shoga", trà xanh gọi là "matcha" (mạt trà, dạng bột gọi là "kona" hay dạng lá gọi là "happa", green tea), rượu trắng (sake, khoảng 15 độ cồn, mùa hè uống lạnh, mùa đông uống nóng), rượu mơ gọi là "umeshu", rượu quất/tắc rất thơm gọi là "kinkanshu", rêu biển khô gọi là "nori", các loại rong biển tươi và khô gọi là "wakame", bánh dày với đậu đỏ, hạt dẻ hay quế, các loại chả cá, các loại dưa muối "tsukemono", củ cải bào nhuyễn, các loại thịt gà, tôm, cá hay rau lăn bội rán/chiên gọi là "tempura", các loại canh tương gọi là "miso shiru", mè và rêu biển... rắc vào cơm gọi là "furikake", cơm nước trà gọi là "chazuke", trứng đúc gọi là "mushichawan", đậu nành lên men gọi là "natto" (hơi khó ăn nhưng rất bổ), khoai lang nướng gọi là "yakiimo", cho tới các loại mì như "ramen" (mì màu vàng), "soba" (mì màu tro hay xanh), "udon" (mì màu trắng, sợi to, tương tự bánh canh)... Xin lưu ý là khi đi theo đoàn, cần giữ đúng giờ ăn, nếu không tiệm ăn không thể đối ứng được vì sẽ "đụng" với đoàn khác.

7. DI CHUYỂN TỪ PHI TRƯỜNG:
Phi trường quốc tế Narita Tokyo International (nói là Tokyo, nhưng thực ra ở phía tây bắc tỉnh Chiba, cách trung tâm Tokyo khoảng 70 km. Phi trường mới Kansai International thuộc Osaka cũng cách trung tâm thành phố khoảng 40 km. Đối với cả hai phi trường trên, đi xe mất khoảng 1 giờ đến 1 giờ 30 phút, nhưng nếu gặp giờ kẹt xe thì có thể mất trên 2 giờ đồng hồ, chưa kể tiền xa lộ mất khoảng 20 Mỹ Kim cho xe du lịch. Thân nhân đi đón có thể dùng xe hơi, xe điện, xe buýt. Du khách cũng có thể tự mua vé xe buýt chuyên dụng "Limousine"... chở khách từ phi trường về một khách sạn nào đó trong thành phố, rồi thân nhân đến đón ở khách sạn đưa về nhà là tiện nhất, giá vé xe buýt khoảng 3.000 Yen (35 Mỹ Kim). Lưu ý, phi trường Narita tức Tokyo Internatinal Air Port (nhưng thuộc tỉnh Chiba), có Trạm 1 (cũ) lại chia ra cánh Bắc và Nam, và Trạm 2 (mới) thì chia ra A và B. Do đó; khi đến và đi nên báo rõ cho người đi đón đưa là đi bằng máy bay của hãng nào để đón đưa cho đúng. Giữa Trạm 1 và Trạm 2 có xe buýt miễn phí, cứ khoảng 15 phút có 01 chuyến. Đa số người Việt ở Nhật không dùng xe hơi, nếu có dùng xe hơi đi đón thì cũng khá xa và tốn kém tiền đường, nên nếu tự đi được về thành phố bằng xe điện hay xe buýt thì vẫn hơn.

DI CHUYỂN TRONG NƯỚC NHẬT:
Khoảng 70-80% người Nhật di chuyển bằng hệ thống xe điện nổi và ngầm chằng chịt trong thành phố cũng như ra ngoại ô. Du khách cũng nên dùng để biết sự đúng giờ, tiện lợi và đông đảo, nhất là trong giờ cao điểm, để biết thế nào là ép cá hộp. Người quen đi lại, chỉ cần kiếm một bản đồ xe điện bằng hai thứ tiếng Nhật-Anh cũng có thể tự đi được. Có điều phần lớn người Nhật phát âm tiếng ngoại quốc rất dở, cho nên hơi khó hỏi thăm, mặc dù đa số họ rất sốt sắng chỉ đường cho du khách. Trường hợp không rành đường thì đành đi taxi, giá cơ bản là 650 Yen (7,5 Mỹ Kim). Đi một cuốc khoảng 15 phút tốn khoảng 15 Mỹ Kim. Thủ Đô Tokyo hay Osaka rất lớn, phần vì kẹt xe, nên xe đi từ đầu này sang đầu kia có thể mất hơn một tới hai giờ đồng hồ.

8. KHÁCH SẠN VÀ NƠI TRỌ:
Phòng ngủ kiểu Nhật trong lữ quán. Bữa ăn kiểu Nhật, các bát đĩa đều khác nhau. Giá khách sạn trung bình một người, một ngày khoảng 10.000 Yen (110 Mỹ Kim) trở lên. Có loại khách sạn gọi là "business hotel" dành cho nhưng người chỉ trọ qua đêm, giá khoảng từ 5.000 đến 5.500 Yen (60 - 65 Mỹ Kim), loại này lúc nào cũng đông khách nên phải giữ chỗ trước. Loại này đăng ký vào (check in) lúc 4 giờ chiều và ra (check out) lúc 10 giờ sáng hôm sau. Loại nổi tiếng vì nhỏ gọn với chỉ có cái giường tầng như cái hộp để chui vào ngủ gọi là "capsule" với một cái TV ở cuối giường thì giá độ từ 2.500 đến 3.500 Yen, tất nhiên cũng có phòng sinh hoạt hay phòng tắm chung. Ngoài ra cũng có các loại "minshuku" tức nhà trọ tư, giá cũng tương tự "business hotel".

Tin tức
NHỮNG THIÊN ĐƯỜNG MUA SẮM NHẬT BẢN
KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ NHẬT BẢN
GIỚI THIỆU TỈNH MIE
THÀNH PHỐ KOBE
THÀNH PHỐ NARA
Tư vấn
 Những Luật Lệ Ngầm Trong Giao Tiếp Hàng Ngày Ở Nhật
 Một vài kinh nghiệm khi đi du lịch Nhật Bản
 Những Điều Cần Lưu Ý Khi Đến Nhật
 Hướng Dẫn làm thủ tục Hồ sơ xin VISA đi Nhật.
 Hướng Dẫn mua vé JR pass cho khách du lịch đến Nhật
 Đồ không được mang vào Nhật
 Những tập tục cần biết khi du khách đến Nhật Bản
LIÊN KẾT