Ngày 23/10/1868, Thiên Hoàng Minh Trị dời đô từ Kyoto lên Toyko và cư ngụ tại đây nên đổi là Tokyojo và năm 1869 đổi là Kojo. Ngày 5/5/1873, do sự bất cẩn của một nữ nhân viên lo phòng ngủ, Hoàng Thành bị cháy, nay không còn tòa tháp canh nữa. Năm 1888, Cung Thành mới được xây dựng trên nền các tòa nhà quanh tháp canh cũng là nơi từng bị cháy năm 1657. Sau Thế Chiến Thứ 2 năm 1945, phá bỏ dinh cơ Meiji cũ, năm 1948, xây cơ sở mới như ngày nay, người Nhật gọi là "Hoàng Cư" chứ không coi là thành như xưa nữa. Nay là nơi Thiên Hoàng Akihito (Minh Nhân) đời thứ 125 hiệu là Bình Thành (Heisei) và Hoàng Hậu Michiko (Mỹ Trí Tử) sinh sống, cũng như tiếp đón ngoại giao đoàn. Phía đông-bắc của Hoàng Cung là vườn Ngự Uyển. Lúc nào du khách cũng có thể dạo quanh xem bên ngoài hoàng thành, không xây vuông vắn mà hình "bát quái" theo quan niệm xưa và khó cho địch tấn công, có tổng cộng 12 cửa. Chu vi vòng trong Hoàng Cung khoảng 5 km, nhiều người thích chạy bộ hay đạp xe đạp quanh khu này. Nếu đi theo tour thì có thể dạo chơi những con đường bên trong để ngắm các dinh thự vừa cổ kính vừa hoành tráng. Chỗ du khách thường ghé nhất là phía đông, gần cổng chính gọi là "Sakuradamon" để xem hai chiếc cầu bắc song song qua hào gọi là "Nijubashi" (Nhị Trùng Kiều). Cầu ngoài là bằng đá gọi là "Shakkyo" (Thạch Kiều). Cầu chỉ có hai nhịp, soi bóng dưới nước trông như cái mắt kính nên còn được gọi là "Meganebashi" (Nhãn Kính Kiều). Cầu trong làm bằng thép gọi là "Tekkyou" (Thiết Kiều), mà tiền thân của nó được làm bằng gỗ gọi là "Nijubashi". Sở dĩ cầu gỗ mang tên cầu kép vì trước đây cầu có hai tầng. Sau này cầu thép chỉ có một tầng nhưng kể cả cầu đá là hai cầu, nên vẫn giữ tên cũ là cầu kép với nghĩa mới. Hàng năm, vào ngày 2/1 và ngày sinh nhật Thiên Hoàng đang tại vị (sinh ngày 23/12/1933), cổng chính gần cầu kép được mở để đón mọi người đi vào bên trong, đứng trước "Chowaden" thuộc "Kyuden"(Cung Điện) chính, vẫy chào mừng Thiên Hoàng và Hoàng Gia ra đứng đáp lễ ở trên lầu hai, từ 9 giờ 30 sáng đến 3 giờ chiều. Trong phần hào lũy của Hoàng Cung thuộc ngoại vi, ở phía đông có Đông Ngự Uyển du khách được tự do vào xem, phía bắc có Bắc Hoàn Công Viên mà trong có "Budokan" hình lục giác là nơi biểu diễn, thi đấu võ thuật hay trình diễn văn nghệ, chứa được khoảng 5.000 người. Phía nam là công viên Hibiya là nơi hội họp trình diễn văn nghệ rồi tòa nhà Quốc Hội, Sở Cảnh Sát Quốc Gia, các Bộ Sảnh... Phía đông là khu phố Yurakucho, phố Ginza.
|